Vì sao nên đọc sách mỗi ngày và cách đọc sách như thế nào cho đúng

Duy trì thói quen đọc sách đều đặn quan trọng thế nào với sự phát triển bản thân?

Từ lúc chữ viết chưa ra đời, con người đã biết cách vẽ các ký hiệu lên vách đá để kể lại các câu chuyện. Người ta tin rằng hệ thống chữ viết đầu tiên của loài người ra đời cuối thiên niên kỷ 3 TCN tại vùng Sumer (Lưỡng Hà) ở dạng chữ hình nêm cổ xưa ở Triều đại Ur thứ ba. Tuy nhiên mãi đến thế kỷ 15, bằng việc phát minh ra việc in bằng các chữ rời kim loại bởi người Châu Âu, việc in sách mới trở nên nhanh và rẻ hơn. Cùng sau đó là rất nhiều tiến bộ về công nghệ, và cho đến ngày nay sách in giấy đang được thay thế bởi một phần rất lớn sách ấn phẩm điện tử ebook. Thú thật là một số cuốn sách mình đọc ebook, nhưng đa số mua được sách giấy thì mình vẫn thích đọc sách giấy hơn, cảm giác cầm trên tay đọc rất thư giãn.

Các bạn muốn bắt đầu đọc sách có thể tham khảo Top 10 cuốn sách gối đầu giường của bạn trẻ Việt

Điều gì là khác biệt giữa loài người và các loài vật khác? Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng đó là khả năng truyền lại tri thức từ đời này qua đời khác. Nhờ đó, các thế hệ sau có thể đọc và học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, tiết kiệm hàng nghìn năm công sức thử sai của các thế hệ cha ông, ví dụ như làm sao để canh tác nông nghiệp cho hiệu suất cao, làm sao để xây được các tòa nhà, hay làm sao xây được các tòa nhà chọc trời. Rất nhiều thành quả công nghệ của ngày hôm nay là nhờ vào nền móng của cha ông đời trước của chúng ta.

Nếu như bạn là người thường băn khoăn với câu hỏi mục đích cuộc sống là gì, tại sao con người lại tồn tại, chúng ta tồn tại để làm gì? v.v. và v.v. 1001 câu hỏi tương tự về đời sống. Nếu bạn biết rằng, cách đây 2490 năm, có một người đàn ông với trí tuệ vĩ đại, mà công việc của ông là suốt ngày ngồi nghĩ về những điều đó, suốt ngày tranh luận, nghe và trả lời các câu hỏi triết lý như vậy, bạn có quan tâm không? Bạn nghĩ sao nếu có thể hấp thụ được thành quả cả đời của ông? Tất cả đều trở nên có thể chỉ cần bạn đọc sách của triết gia nổi tiếng Socrates người Hy Lạp.

Nếu như bạn biết có một người đàn ông, đã xây dựng nên một đế chế trị giá 370 tỉ đô, đã hoàn thành cuốn sách tâm huyết của ông trước lúc ra đi vào năm 1992, bạn có quan tâm không? Người đó là Sam Walton - một người đàn ông đầy sự khiêm nhường và đã xây dựng nên đế chế bán lẻ Walmart và cuốn sách đó là Made in America. Bạn muốn đầu tư chứng khoán hay bất động sản? Bạn nghĩ sao nếu người đàn ông có tài sản ròng trị giá 74.7 tỉ đô đến nhà bạn và chỉ cho bạn cách làm thế nào để có thể kiếm lời từ chứng khoán? Ông ta là Warren Buffett và có rất nhiều sách đã viết về quá trình suy nghĩ của ông khi đầu tư đã diễn ra như thế nào.

Với mình sách thật là trân quý, bộ não của con người là cái máy tính siêu cao cấp, bạn càng nạp nhiều kiến thức vào thì nó càng biết nhiều hơn, càng thông tuệ hơn. Những dòng chữ mình đang viết ra, không phải là kết quả của vài chục nghìn giờ đọc sách, đọc báo, đúc kết tất cả câu chữ và văn phong của người khác, để viết nên hay sao?

Các bạn quan tâm đến lịch sử phát minh chữ viết và giấy in sách có thể đọc bài viết rất chi tiết ở đây

Mình và Hường Lưu - Country Project Manager @ Grab có chia sẻ về các ngã rẽ của ngành công nghệ, trí tuệ cảm xúc và cách quản lý sự xao nhãng. Các bạn quan tâm có thể tham khảo thêm ở đây nhé >Youtube sharing 1 - Ngã rẽ ngành công nghệ, trí thông minh khái niệm và roadmap học lập trình

Đọc sách như thế nào là đúng?

Sách quan trọng như vậy đấy, nhưng mình cũng đã nghe nhiều ý kiến từ các người bạn thường bảo rằng, “Sách đấy tớ đọc rồi”, hoặc “Sách đấy chẳng có gì hay cả”, hoặc “Đọc sách hoài mà có thấy khác gì đâu?”. Trước kia mình chỉ đơn giản là đọc sách và thấy hay, mỗi lần đọc xong tự tổng kết lại những điều hay mình học được rồi xong. Hiếm khi ngó lại sách đó nữa. Nên khá hiểu và thông cảm cho những lời nhận xét từ các người bạn. Chuyện thực sự chỉ thay đổi sau khi mình nghe 1 video TED talk cực kì hay của anh Tai Lopez về cách mà anh ta đọc một cuốn sách mỗi ngày. Thay đổi gần như toàn bộ về cách mà sách thực sự hữu ích với chúng ta như thế nào.

Tai Lopez gợi ý rằng, chúng ta hãy coi sách như một người bạn. Vì sách là bạn, nên thỉnh thoảng bạn dĩ nhiên sẽ ghé thăm và trò chuyện với nhau, hay nói cách khác thỉnh thoảng bạn lại mở sách ra coi lại. Và bạn sẽ có vài người bạn chứ không chỉ một, Tai Lopez khuyến khích chúng ta rằng mỗi người nên có 150 cuốn sách gối đầu giường về tất cả chủ đề cần thiết trong cuộc sống. Mình có đính kèm danh sách 150 cuốn sách bên dưới được giới thiệu bởi chính anh ấy.

Vậy điều này đã thay đổi cái gì?

Thứ nhất, việc đọc lại sách không khác gì mình có thêm một người bạn, người thầy nhắc mình nhớ lại điều gì là đúng đắn. Cũng đâu khác gì đi học ở trường nhỉ, cũng bao nhiêu kiến thức hay, cũng ghi ghi chép chép nhưng đâu ít khi mình quên những lời thầy giảng. Ai may mắn sẽ tìm được cho mình một mentor giỏi dẫn dắt mình đi trên con đường sự nghiệp, lúc khó khăn thì giải đáp cho mình, và với kinh nghiệm dày dặn mentor có thể chỉ cho mình biết nên đi con đường như thế nào là tốt nhất. Thế nên vậy đó bạn à, mỗi lần mở sách ra là mỗi lần nhớ lại, là mỗi lần được nhắc nhở. Không ít người nói rằng cuốn sách Đắc Nhân Tâm rất hay trong việc giúp bạn đối nhân xử thế với mọi người xung quanh một cách dung hòa nhất, mình cũng cho rằng như thế, và mình đã đọc không biết mấy chục lần rồi đấy bạn à. Mỗi lần như thế đã nhắc lại cho mình không ít. Hơn thế nữa, việc nhắc nhở này lại đặc biệt đúng với các thể loại sách Phát triển bản thân (self-help). Đã bao nhiêu lần bạn hừng hực khí thế, tràn đầy quyết tâm sau khi đọc các cuốn sách như Đánh thức sức mạnh phi thường trong bạn, Suy nghĩ và làm giàu, và rồi cuộc sống lại đưa đẩy và bạn lại trở về với chính bạn? Riêng với mình từ khi biết tuyệt chiêu ghé thăm bạn cũ này, mình được nhắc đi nhắc lại không ít lần để có thể duy trì được tinh thần tuyệt vời nhất.

Thứ hai, sách thực sự là kho báu giỏi giấu mình giữa sa mạc mênh mông. Nhiều cuốn sách được viết ra bởi các vĩ nhân đầy thông tuệ, trí tuệ của các vĩ nhân này cũng đã đúc kết tinh hoa của không biết bao nhiêu thế hệ thông qua sách vở, và bạn ở đây, đọc sách của các vĩ nhân này. Có hai điều có thể xảy ra, hoặc là bạn đọc hết không bỏ sót chi tiết nào, chúc mừng bạn rất giỏi trong việc đọc sách cũng như bạn đầy tính kiên trì và cần mẩn. Tuy nhiên, thường bạn sẽ hiểu bao nhiêu % của cuốn sách? Hay đôi khi bạn tự cho là mình đã hiểu hết nội dung, điều này có thật sự đúng chăng? Mình đã tự trải nghiệm nhiều lần về điều này, việc thấu hiểu nội dung cuốn sách phụ thuộc rất nhiều vào tầng hiểu biết của mình hiện tại. Năm ngoái mình đọc cuốn Đắc Nhân Tâm, mình hiểu khác, năm nay mình đọc cuốn Đắc Nhân Tâm, mình lại hiểu khác. Đó là vì kinh nghiệm mình đã khác, mình đã phát triển lên một tầng khác, thì với bất cứ kiến thức nào mình sẽ hiểu được sâu hơn. Khả năng thứ hai có thể xảy ra là gì? Nếu bạn không phải tuýp người cẩn thận, kiên trì đọc từng chữ một, thì khả năng rất cao bạn sẽ bỏ qua không ít chữ và ý. Do đó, mỗi lần lật lại sách cũng giống như đi mò tìm kho báu, mình hay phát hiện ra những điểm hay mới thú vị mà trước đó mình không để ý lắm.

Làm thế nào để đọc sách nhanh hơn?

Bởi vì sách là bạn của mình, bạn sẽ không bỏ mình đi đâu. Việc đầu tiên khi tiếp xúc một người bạn là cần giới thiệu lẫn nhau vài thông tin cơ bản. Với sách, bạn hãy xem những trang đầu hoặc những trang cuối sẽ có chứa mục lục của sách, đọc qua xem sách nói về những điều gì. Tiếp đến, bạn hãy đọc theo kỹ thuật đọc lướt (skimming & scanning) qua cuốn sách. Phụ thuộc vào độ hứng thú hoặc độ hữu dụng của cuốn sách với bạn ở thời điểm bạn đọc mà điều chỉnh tốc độ đọc lướt cho hợp lý. Ví dụ như bạn có thể đọc mỗi chương phần mở đầu và kết thúc chương, hay mở đầu, đoạn giữa và kết thúc chương. Một số cuốn sách có tổng kết lại ở cuối chương, bạn có thể đọc phần tổng kết kỹ hơn. Hoặc một số đoạn được tác giả báo hiệu cần lưu ý bằng chữ in nghiêng hoặc in đậm, bạn có thể để ý kỹ hơn những đoạn đó. Thông thường, một cuốn sách dày vì bao gồm trong đó rất nhiều nghiên cứu đi kèm để dẫn chứng, nếu bạn đọc sách với mục đích hiểu cuốn sách nói về điều gì, thì các ví dụ sẽ không cần thiết lắm. Tất nhiên bạn có quyền làm chủ hoàn toàn trong tốc độ đọc của mình, nếu thích thì bạn có thể đọc chậm lại ở một số chỗ, đọc thêm ví dụ để tăng tính thuyết phục, và lại đọc nhanh ở những chỗ khác.

Sau khi hiểu sách nói về những gì rồi, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan và biết chương nào mình quan tâm nhiều nhất, lúc này bạn có thể tập trung vào đọc hoàn thành chương đó. Mình đã áp dụng thử cách này, và thấy cực kỳ hiệu quả. Thú thật là do tính cầu thị cao, nhiều lúc mình cũng hơi stress vì thấy bạn bè recommend sách hay liên tục mà không có thời gian đọc hết những cuốn đó, cảm giác FOMO cứ đè lên người khá khó chịu. Từ khi áp dụng cách đọc nhanh một cuốn sách, mình đã có thể tiếp thu rất nhiều ý tưởng hay từ các cuốn sách, và đã giúp mình rất nhiều trong cuộc sống cũng như công việc.

Đọc bao nhiêu cuốn sách mỗi năm?

Nếu bạn chưa bao giờ đọc sách hoặc ít đọc sách, hãy bắt đầu một cách từ tốn. Mỗi 3 tháng một cuốn sách là bạn đã có sự tiến bộ tốt rồi.

Với các bạn đã có thói quen đọc sách, theo mình mỗi tháng trung bình một cuốn sách là hoàn toàn khả thi.

Còn với các bạn trước giờ đã có thói quen đọc sách thường xuyên, mình thử thách các bạn mỗi tuần đọc một cuốn sách đấy :D Vị chi mỗi năm là 52 cuốn sách nhé. Nếu bạn nghĩ có thể đọc nhanh hơn nữa, mình không cản bạn đâu.

Các bạn muốn bắt đầu đọc sách có thể tham khảo Top 10 cuốn sách gối đầu giường của bạn trẻ Việt

Và đây là video TED talk tuyệt vời của Tai

Chúc các bạn có thể tạo được niềm đam mê, hứng thú và tò mò như một đứa trẻ với kho tàng vô giá của nhân loại.

Hay quá
updatedupdated2020-09-212020-09-21
Load Comments?